“Làm với Tập đoàn Lộc Trời cũng được mấy năm nay rồi. Mọi năm, sau khi thu hoạch khoảng nửa tháng là đã có tiền cho nông dân; tình hình năm nay không có được như nông dân mong muốn; tiền thì bên công ty cứ hẹn, hẹn hết đợt này rồi lại hẹn đến đợt 2, làm nông dân vô cùng khó khăn. Bởi vì tất cả mọi chi phí đang chờ vào chỗ tiền này để mà xử lý”.

“Đưa lúa xuống ghe rồi thì là Tập đoàn Lộc Trời hứa thôi, hứa hoài rồi cũng giống như mấy anh em ở đây; Lộc Trời hứa với mình là ngày 26 tháng rồi, thì mình nghĩ tới đó là có, đã đời mình đi ra rồi lại hứa tiếp tục tới ngày 15-20/5 này. Người ta đã xuống giống rồi không lẽ mình bỏ đất hoài; mình phải tìm đủ mọi cách để theo người ta liền, chứ để trễ mùa vụ nữa rồi thì sâu bệnh, dịch hại… tràn lan đồng sẽ nặng chi phí”.

“Ruộng đã thuê rồi thì mình phải xuống giống, không có tiền mình phải vay tiếp tục, rồi tiếp tục làm, rồi đợi tiền tiếp tục… chứ không lẽ giờ bỏ ruộng. Cũng mong chính quyền can thiệp để doanh nghiệp trả tiền cho nông dân cho nó nhanh, tới ngày 20/5 phải trả dứt điểm cho nông dân, để mình còn phải trả đủ thứ chi phí như: cắt, kéo, cày, xới… rồi chi tiêu trong gia đình”.

Đây là những chia sẻ của ông Nguyễn Đinh Phương; ông Huỳnh Sơn Đông và ông Huỳnh Văn Thiện, 3 trong số hàng trăm nông dân ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Đây cũng là địa phương có số lượng nông dân đông nhất đã liên kết sản xuất với Tập Đoàn Lộc Trời.

Nông dân xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang trao đổi với phóng viên về những khó khăn khi doanh nghiệp chưa trả tiền mua lúa

Theo Tập đoàn Lộc Trời, hiện nay công ty đang nỗ lực từng bước trả nợ tiền mua lúa của nông dân, tính đến chiều ngày 9/5, Lộc Trời còn nợ nông dân là hơn 159 tỷ đồng. Tập đoàn Lộc Trời đã chấp nhận bán lúa với giá thấp trong kho để nhanh chóng trả tiền lúa cho nông dân, đồng thời đẩy nhanh tiến độ làm việc với các ngân hàng, đối tác để ưu tiên giải ngân cho nông dân. Lộc Trời cam kết trả lãi suất 0,8%/tháng (tương đương 9,6%/năm) cho nông dân từ ngày 27/4 trở về sau; phấn đấu đến ngày 20/5 này sẽ trả dứt điểm cho bà con.

Ngoài ra để hỗ trợ bà con nông dân yên tâm canh tác vụ sau, Tập đoàn Lộc Trời đảm bảo cung cấp khoản đầu tư vật tư nông nghiệp (thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, lúa giống) và dịch vụ nông nghiệp theo tiến độ mùa vụ hè thu 2024. Các khoản đầu tư từ đầu vụ này đều không tính lãi và được cấn trừ trực tiếp vào tiền lúa sau khi thu hoạch. Tập đoàn Lộc Trời cũng bố trí nhân viên tại các nhà máy, trụ sở, văn phòng của tập đoàn để có thể trao đổi và thông tin kịp thời, đầy đủ đến nông dân, hợp tác xã.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang, vụ Đông Xuân 2023-2024, toàn tỉnh có trên 31.000 ha lúa, với 27 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất - tiêu thụ với 27 hợp tác xã và liên hợp tác xã, tổ, nhóm nông dân. Phần lớn diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ của nông dân An Giang ký với Tập đoàn Lộc Trời. Riêng vụ Đông Xuân này, Tập đoàn Lộc Trời đã ký hợp đồng tiêu thụ trên 16.000 ha lúa, hiện đã thu hoạch trên 10.500 ha.

Đến thời điểm này, Tập đoàn Lộc Trời còn nợ tiền mua lúa của nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang khoảng gần 160 tỷ đồng

Việc trả tiền mua lúa cho nông dân chậm do tập đoàn hiện chưa thu xếp kịp dòng tiền từ việc vay vốn của các ngân hàng. Trong khi đó, tiền thanh toán của khách hàng quốc tế về chậm. Năm 2024, các đối tác cũng khó trong hoạt động kinh doanh khi giá gạo biến động khiến công ty gặp khó về dòng tiền.

Ông Nguyễn Sỹ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang cho biết, trước việc Tập đoàn Lộc Trời nợ tiền mua lúa của nông dân An Giang, Sở Nông nghiệp đã đề nghị doanh nghiệp khẩn trương thực hiện đúng các cam kết với nông dân, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất. Tập đoàn Lộc Trời cần ưu tiên thanh toán tiền mua lúa cho nông dân có thời gian nợ lâu, nắm bắt và xử lý kịp thời những trường hợp người dân cần tiền trả nợ, phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình.

“UBND tỉnh đã giao cho địa phương, Hội nông dân, ngành nông nghiệp, các hệ thống chính trị phải trao đổi với Tập đoàn Lộc Trời, cùng với bà con nông dân cùng thỏa thuận với Lộc Trời để trả nợ cho nông dân theo đúng cam kết, không để bà con thiệt hại gì giữa cam kết của Lộc Trời với nông dân. Hiện nay, UBND tỉnh An Giang cũng đề nghị Sở Nông nghiệp bám sát việc đó, để có gì sẽ báo cáo ủy ban” - ông Nguyễn Sỹ Lâm cho biết thêm.